Trải nghiệm làm đồ gốm Shitoroyaki tại thành phố Shimada

2021.02.21
Nếu như bạn đang tìm một hoạt động thủ công mỹ nghệ dành cho các bé học tập và vui chơi vào cuối tuần, hay đơn giản muốn tìm một chỗ để nghỉ giải lao sau những tuần học tập và làm việc bận rộn. Hãy cùng đến thăm một gia đình nghệ nhân làm gốm Shitoroyaki tại Shimada, tỉnh Shizuoka - nơi có truyền thống làng nghề đã được 600 năm nay.

  Lên oto rời xa thành phố tấp nập một chút, bọn mình hướng về Shimada – nơi nổi tiếng với những cánh đồng trà xanh bát ngát. Điểm đến của chuyến đi này chính là xưởng làm đồ gốm Shitoroyaki xinh xắn của anh Maruyama. Đến nơi, anh chủ giới thiệu rất kĩ cho bọn mình về lịch sử làng gốm tại Shimada, về đặc điểm của gốm Shirotoyaki và trả lời những câu hỏi hơi hóc búa của chúng mình rất cẩn thận và thân thiện. Anh thú thật rằng đang rất run vì đây là lần đầu tiên anh giới thiệu cách làm trước nhiều người nước ngoài đến vậy, mong bọn mình thông cảm nếu anh không giải thích được dễ hiểu. Thực sự rất chất phác và đáng yêu.

Xưởng gốm Shitoroyaki đã được Chủ tịch tỉnh Shizuoka chọn là “Đồ Thủ công mỹ nghệ quê hương” của tỉnh Shizuoka

Về lịch sử và đặc điểm của Shitoroyaki

  Kanaya(金谷)địa phương sản xuất đồ gốm Shitoroyaki được biết đến là vùng đất khai thác được nguồn đất sét có chất lượng cao bởi đất đồi núi tại đây thích hợp cho việc trồng trà ngon. Những nghệ nhân làm gốm từ Viễn Châu (遠州nay địa phận phía Tây của tỉnh Shizuoka) khi di chuyển qua sông Ooikawa đã phát hiện ra điều này và đã lập ra ngôi làng làm gốm tại đây. Đồ gốm Shitoroyaki nổi tiếng cả nước bới chất lượng về gốm lẫn kĩ thuật tạo hình và tráng men. Tên gọi Shitoroyaki được đặt theo tên địa phương nơi mà sản xuất và phát triển đồ gốm, đó là làng Shitoro-go (志戸呂郷)tại Kanaya. Theo như lời anh Maruyama, đất sét dưới những đồi trà chỉ được khai thác 1 lần trong khoảng 50 năm và nếu muốn sản suất đồ gốm với số lượng lớn thì lượng đất sét lấy được chỉ có thể sử dùng trong vòng 4-5 năm. Chính vì vậy, để có thể duy trì việc sản suất đồ gốm chất lâu bền, anh không chạy theo sản xuất hàng loạt mà dành tận tậm cho những món đồ được khách đặt mua.

  Đặc điểm nổi bật loại gốm này chính là sự giao hòa giữa cổ kính sâu lắng và sự êm dịu của dáng vẻ và màu sắc. Sự mộc mạc trầm kín của Shitoroyaki sẽ làm tôn lên vẻ đẹp của loài hoa bạn trưng bày cùng, khiến cho tâm hồn ta được gột rửa về trạng thái mộc mạc giản dị nhất để có thể thưởng thức trọn vẹn cuộc sống xung quanh.

Trải nghiệm tự tay làm gốm Shitoroyaki

Trước khi mỗi người được tự tay chế tạo tác phẩm của mình, anh Maruyama lại 1 lần nữa giải thích về đất sét và cách làm. Vì đất sét rất nhanh khô nên việc thao tác dứt khoát và không để đất bị khô là vô cùng quan trọng. Anh hướng dẫn rất rất tận tình, còn cắt lớp các tác phẩm anh mới làm xong cho bọn mình xem mặt cắt bên trong để có thể dễ tưởng tượng hơn khi làm.

Cuối cùng cũng đến lúc sắn tay áo lên thực hiện tác phẩm gốm rồi. Ai cũng háo hức nghĩ xem mình muốn làm cốc hình gì, đia hình gì. Khi bắt tay vào làm, mình thực sự thích cảm giác sờ và nặn lên đất sét. Rất mềm tay và không bị dính tay một chút nào. Khác với những loại đất sét mình đã trải nghiệm, đất sét của để làm nên gốm Shitoroyaki thực sự mềm tay, không hề bị cứng và dễ nứt. Tay không cần dùng quá nhiều lực mà vẫn có thể tạo hình được dễ dàng. Vì vậy nên các bạn nhỏ cũng sẽ rất vừa sức để tạo ra sản phẩm của mình mà bố mẹ không cần phải lo nhé.

Sau khi nặn xong, sẽ để đất sét nghỉ và khô. Shitoroyaki sẽ được nướng trong 12 tiếng cho đến 800 độ C, sau đó lại nướng tiếp trong vòng 24 tiếng đến 1200 độ C. Thời gian nướng dài cũng với nhiệt độ lên cao dần dần sẽ giúp cho đồ gốm thích nghi dần dần với nhiệt độ, không bị nứt hoặc vỡ trong khi nướng và có được sự bền lâu hơn trong quá trình sử dụng.

Nguyên liệu và quá trình tráng men của đồ gốm Shitoroyaki cũng rất đặc biệt. Trong tiếng Nhật, người ta có sử dụng từ 釉薬 để chỉ thuốc dùng để tráng men. Đặc điểm của thuốc tráng men của Shitoroyaki chính là lấy mùn than được đốt từ củi rơm, hòa lẫn với nước để trở thành màu xanh lá cây đặc trưng chỉ  ở loại đồ gốm này. Nếu muốn có màu đỏ, người ta sẽ dùng cành lúa đã thu hoạch quấn quanh chỗ muốn nhuộm đỏ và nướng cùng sản phẩm. Ngoài ra, các màu đỏ, vàng cũng được lấy từ những nguyên liệu tự nhiên rất gần gũi ở quanh chúng ta.

Sau khi làm xong sản phẩm, anh Maruyama mời bọn mình uống trà và ăn sản vật của Shimada – 黒やっこ trên đồ gốm Shitoroyaki. Vừa thưởng thưởng trà ngon và đồ tráng miệng ngon, chúng mình còn được nghe anh Maruyama giới thiệu thêm về lịch sử của xưởng gốm, với những câu chuyện của người đi trước rất cảm động và đáng học hỏi về tinh thần gìn giữ văn hóa của những nghệ nhân làm gốm.

 Truyền thống làm gốm Shitoroyaki đã có từ hơn 600 năm nay, những thế hệ như anh Maruyama đang cố gắng gìn giữ giá trị của ông cha để lại. Thực sự khâm phục trước tinh thần của anh trước những biến đổi khắc nghiệt của thời thế.

 Hãy cùng dành chút thời gian đến với lớp trải nghiệm làm gốm của anh Maruyama để có thể tĩnh tâm lại sau những bồn bề của cuộc sống, hít thở không khí của đồi trà, thưởng thức sản vật nổi tiếng của Shimada và làm ra đứa con tinh thần gốm Shitoroyaki của mình nhé.

 

 

Thông tin về Xưởng lớp học làm gốm của anh Maruyama 志戸呂焼DEいっぷく

 

この記事が気に入ったら
いいね!しよう

最新情報をお届けします

Twitter で株式会社サンロフトをフォローしよう!