Trải nghiệm「闘茶」(Đấu trà) – Cuộc thi kịch tính của các nghệ nhân trà Nhật Bản

2021.03.11
「闘茶」(とうちゃ- Toucha - Đấu Trà)là một từ rất lạ phải không? Kể cả người Nhật cũng không phải ai cũng biết về truyền thống đặc biệt này. 闘茶 trà bắt nguồn từ tầng lớp Samurai - những người ưa thích việc tranh tài đọ sức từ võ thuật cho đến việc "sành trà". Trong buổi giao lưu văn hóa truyền thống trà Nhật Bản lần này, chúng mình đã được nghệ nhân trà 前田 (Maeda) giới thiệu về văn hóa Đấu trà độc đáo này. Hãy cùng xem thế nào là Đấu trà nhé!

Địa điểm trải nghiệm hình thức Đấu trà của chúng mình là một gian phòng kiểu Nhật tràn ngập ánh sáng, với bên ngoài là khung cảnh trữ tình của vườn Nhật. Người hướng dẫn và giới thiệu về Đấu trà là trà sư 前田 (Maeda) – chủ nhân đời thứ 3 của quán trà KINZABURO trong 茶町 của thành phố Shizuoka. Anh là người đã vô địch cuộc thi Đấu trà chuyên nghiệp toàn quốc và là người có kinh nghiệm và hiểu biết rất sâu về hình thức thi đấu này.

Đôi nét về lịch sử 闘茶 – Đấu trà

Đây là cuộc thi người tham gia sẽ phải dựa vào màu sắc, hương thơm, vị ngon của trà để đoán xem đây là loại trà gì. Không những vậy, có những cuộc thi còn yêu cầu đoán chính xác tên địa phương trồng trà- kiểu chơi này được người Nhật gọi tên là 茶歌舞伎 (Cha-Kabuki).  Đây là hình thức thi đấu, cũng là một thú chơi tinh thần trong giới Samurai của Nhật Bản, đã có lịch sử gần 700 năm nay. Đấu trà được tổ chức và được ưa chuộng tại Kyoto, sau đó lan đến những nơi nổi tiếng về trồng trà như Shizuoka và dần dần lan rộng ra cả nước.

Đấu trà được yêu thích và phổ biến đến mức đã biến tấu thành một môn “cờ bạc” khi có rất nhiều người phải bán tài sản, bán nhà để trả nợ vì thua trong “ván bạc” trà. Từ đó, hoạt động này bị cấm tổ chức. Tuy nhiên, vì quá yêu và không thể bỏ trà, các võ sĩ đã bắt đầu một thú vui nhẹ nhàng và tao nhã hơn: thưởng thức trà với cảm nhận vẻ đẹp của đồ gốm, để thiên nhiên và tâm hồn hòa quyện. Đây chính là tiền thân của 茶道 Trà đạo của Nhật Bản sau này.

Ngày nay,  cuộc thi Đấu Trà 全国茶審査技術競技大会(闘茶会)được tổ chức 1 năm 1 lần để vinh danh những nghệ nhân trà. Với hình thức tuyển chọn khắt khe, trong số nghệ nhân trên toàn quốc, chỉ có 120 người được chọn vào vòng chung kết. Đoán đúng chính xác 5 loại trà trong thời gian chỉ vài giây, quả thật là phải tinh mùi, tinh vị, tinh thông về tất cả loại trà thì mới có thể dành chiến thắng trong cuộc thi cam go này.

Rất đáng tự hào khi năm nào trong danh sách những người đoạt giải cao của cuộc thi trà đều có rất nhiều nghệ nhân trà của Shizuoka. Anh Maeda và bố đã từng vô địch của thi và trở thành gia đình có 2 quán quân Đấu trà duy nhất trên toàn Nhật Bản.

Những điều cơ bản về phân biệt hương trà và vị trà

Hương trà – Vị trà là những yếu tố quyết định để biết được xem đấy là loại trà gì. Vì vậy, trước khi vào trải nghiệm Đấu trà- đoán trà thực sự, chúng mình đã được anh Maeda giảng về những nét cơ bản để phân biệt hương và vị trà. Sau đó, chúng mình được trực tiếp ngửi và nếm thử mùi hương của 4 loại trà để luyện tập. Thực sự phải hiểu rõ về cơ bản và có những giác quan tinh nhạy lắm mới có thể phân biệt được sự khác nhau của từng loại lá trà.

Đặc điểm cơ bản của Trà được trồng trên núi (山) và thung lũng (里) có những đặc điểm sau:

Loại trà Hương trà Vị trà
Trà trồng trên núi  Thơm Ít ngọt, đắng
Trà trồng ở thung lũng Ít thơm Ngọt, đậm

Nhờ vào nhận biết những đặc điểm cơ bản này, chúng ta sẽ có cơ sở để đoán được đây là loại trà trồng ở đâu, được trộn chung với loại trà nào, từ đó đoán được chính xác tên trà và nơi sản xuất.

Trải nghiệm Đấu trà với 3 loại trà cơ bản

Vậy là sau khi được nghe về hình thức chơi, được luyện tập cách phân biệt trà, chúng mình đã được chính thức tham gia trải nghiệm cuộc thi này! Đề bài của chúng mình là đoán đúng tênn của 3 loại trà: 煎茶 (sencha), 玉露茶 (Gyokuro-cha), 玄米茶 (genmai-cha).

Tưởng không hề khó mà lại khó nhằn vô cùng! Sencha và Gyokuro-cha có màu, vị, hương thơm cực kì giống nhau, cả hai đều ít vị đắng, ngọt đều trong miệng nên cực kì khó phân biệt. Genmai-cha là loại trà xanh có bỏng gạo bên trong nên nước trà thơm mùi gạo, vị ngọt như nước gạo nên dễ nhận biết nhất. Thử trà đến lần thứ 3 là không còn có thể phân biệt được hương vị chính xác nữa. “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một thử”, quả đúng thử chơi mới biết Đấu trà khó đến như nào và mang lại cảm giác phấn khích khi chơi như nào!

Sau đó, chúng mình còn được thưởng thức bánh Waffle ngon tuyệt của nhà KINZABURO, vừa chơi vui vừa được ăn ngon không gì sướng bằng!

Nếu bạn đến những nơi nổi tiếng về trà như Shizuoka hay Kyoto, hãy tìm hiểu và tham gia trải nghiệm Đấu trà một lần nhé! Đảm bảo sẽ là một trải nghiệm vừa đấu trí, đấu cả giác quan mà còn rất kích thích nữa đấy!

 

この記事が気に入ったら
いいね!しよう

最新情報をお届けします

Twitter で株式会社サンロフトをフォローしよう!